PHẦN 1: SỰ HẤP DẪN KHI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN VÀ TRẢI NGHIỆM VỀ BUỔI HỘI THẢO CỦA JCWG.

PHẦN 1: SỰ HẤP DẪN KHI LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN VÀ TRẢI NGHIỆM VỀ BUỔI HỘI THẢO CỦA JCWG.

“Buổi hội thảo về việc làm ở Nhật Bản đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật, dành cho những ai muốn đến Nhật Bản làm việc trong tương lai” đã được diễn ra cách đây vài ngày. Trong video ghi lại cuộc thảo luận, Cô Yuko Ito đến từ trung tâm nghiên cứu, xúc tiến phát triển giáo dục Trường Đại học Y Hokkaido và Phó Giáo sư Toshifumi Suzuki đến từ Trường Đại học Shizuoka đã nhiệt tình chia sẻ cảm nghĩ về sự hấp dẫn của Nhật Bản đối với người nước ngoài làm việc tại Nhật và các vấn đề cần giải quyết.

Contents:

Trong phần đầu tiên, chúng tôi đã hỏi 4 người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản, những người đã tổ chức “Hội thảo trực tuyến JCWG” – buổi hội thảo phổ biến về chế độ kỹ năng đặc định được tổ chức cho mỗi quốc gia từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022, về sự hấp dẫn khi làm việc tại Nhật Bản và trải nghiệm của họ trong các buổi hội thảo của JCWG.

Cô Ito: Ở phần thứ nhất “Hội thảo về việc làm tại Nhật đối với người ngước ngoài cư trú ở Nhật Bản”, chúng tôi đã mời anh Auliya Agung Barkah đến từ Indonesia, chị Lim đến từ Philippines, chị Perera đến từ Sri Lanka, chị Yến đến từ Việt Nam, cùng với Phó Giáo sư Toshifumi Suzuki đến từ Trường Đại học Shizuoka chia sẻ về kinh nghiệm của họ tại Nhật Bản.

Cả 4 người đều hoạt động ở các lĩnh vực khác ngoài ngành chăm sóc tại Nhật Bản, và là người điều hành chương trình “Buổi hội thảo trực tuyến Japan Care Worker Guide” được tổ chức cho người nước ngoài tham gia. Mọi người cảm thấy thế nào khi tổ chức buổi hội thảo?

Anh Auliya Agung Barkah (Indonesia): Tôi rất lo lắng vì đây là trải nghiệm đầu tiên của mình. Nhưng thật may mắn vì tôi được sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình để làm điều đó nên đã có thể trò chuyện rất nhiều với mọi người.

Chị Lim (Philippines): Tôi từng có kinh nghiệm dẫn chương trình, nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi tham gia hội thảo trực tuyến. Vì vậy tôi vẫn cảm thấy căng thẳng mặc dù tôi sử dụng tiếng mẹ đẻ. Tôi đã luôn lo lắng rằng mình sẽ nói điều gì đó không hay.

Cô Ito: Trong “Buổi hội thảo trực tuyến JCWG”, bạn đã giải thích về “Kỹ năng đặc định (SSW)”. Vậy bạn có biết về “Kỹ năng đặc định” trước buổi hội thảo không?

Chị Yến (Việt Nam): Tôi biết vì chương trình này đã được giới thiệu trên tivi hoặc các kênh mạng xã hội của Việt Nam. Tôi cũng đã hiểu được những thông tin chi tiết trong buổi hội thảo này.

Chị Perare (Sri Lanka): Tôi biết chương trình “Kỹ năng đặc định” ở Nhật Bản nhưng theo tôi được biết, bài kiểm tra tại Sri Lanka đã bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, nên mới chỉ được giới thiệu cho người dân địa phương.

Ngay sau đó, tôi đã có thể kết nối với những người tôi không quen biết trên mạng xã hội. Đến nay, đây vẫn chưa phải chương trình mà chúng tôi có thể đề xuất bởi vì kỳ thi vẫn chưa được tổ chức ở địa phương, nhưng hiện nay mọi người đều đang học “Kỹ năng đặc định” thông qua các kênh mạng xã hội.

Cô Ito: Có rất nhiều tư cách lưu trú khác nhau ở Nhật, tiêu biểu như là “Kỹ năng đặc định”. Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người muốn nâng cao kỹ năng của họ khi làm việc trong ngành chăm sóc điều dưỡng. Vậy Phó Giáo sư Suzuki nghĩ thế nào về điều này ạ?

PGS. Suzuki: Tôi đang phụ trách đào tạo nhân viên chăm sóc phúc lợi và giáo dục nhân viên chăm sóc, nên tôi có nhiều cơ hội gặp gỡ những người đang sử dụng hệ thống “Kỹ năng đặc định”. Bởi vì nhân viên chăm sóc phúc lợi là bằng cấp quốc gia, nên nếu lấy được chứng chỉ này, bạn có thể làm việc lâu hơn (ở Nhật Bản) với tư cách lưu trú “Nhân viên chăm sóc”. Chúng tôi đang mong đợi sự tiến bộ hơn nữa của họ.

Cô Ito: Ở phần thứ hai của buổi hội thảo, chúng ta cùng lắng nghe những người đang làm việc trong ngành chăm sóc điều dưỡng chia sẻ về chế độ “Kỹ năng đặc định” và “Chương trình đào tạo thực tập sinh Kỹ thuật”,…Anh Auliya Agung Barkah có ấn tượng gì khi anh nhìn thấy hình ảnh người nước ngoài làm việc ở cơ sở chăm sóc tại buổi hội thảo trực tuyến?

Anh Auliya Agung Barkah (Indonesia): Tôi đã có cơ hội nói chuyện rất nhiều với chị Ayu, hiện đang làm việc tại cơ sở chăm sóc tỉnh Okayama. Thay vì đến trường, cô ấy đã tự học tiếng Nhật và đã vượt qua kỳ thi Năng lực Nhật ngữ N2 (Cấp độ mà bạn có thể thảo luận bằng tiếng Nhật) trong vòng 1 năm, điều này thật sự đáng kinh ngạc. Tôi cũng rất ấn tượng rằng cô ấy đến Nhật không phải vì bản thân, mà còn vì gia đình của cô ấy.

Cô Ito: Bạn Ayu cũng sẽ xuất hiện trong phần thứ hai, nên lúc ấy chúng tôi sẽ cùng trò chuyện với cô ấy. Bên cạnh đó, các bạn có thể chia sẻ cho chúng tôi biết về “Sự hấp dẫn khi làm việc tại Nhật Bản” được không?

Chị Lim (Philippines): Tất nhiên là tùy thuộc vào từng ngành, nhưng so với quê tôi thì lương cao hơn đáng kể. Miễn là bạn không chi tiêu lãng phí, tôi nghĩ rằng bạn sẽ không gặp bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống. Ngoài ra, hầu hết nhân viên trong công ty Nhật Bản là những người hoạt động bao quát nhiều lĩnh vực, vì vậy tôi nghĩ rằng có rất nhiều cơ hội để học hỏi, đặc biệt đối với những sinh viên mới ra trường. Bạn có thể luân chuyển nhân sự trong khoảng nửa năm đến một năm, vì vậy rất dễ để nâng cao kỹ năng của mình.

Chị Perera (Sri Lanka): Tôi đã làm việc cho hai công ty khác nhau nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt đối xử với người nước ngoài, mà ngược lại tôi luôn được giúp đỡ. Miễn là bạn tuân thủ luật pháp Nhật Bản và nguyên tắc làm việc của người Nhật, tôi không nghĩ rằng bạn sẽ có bất kỳ trải nghiệm tồi tệ nào đâu. Tôi nghĩ lợi thế đầu tiên là vừa có thể sống ở đất nước an toàn và đảm bảo, đồng thời hướng tới mục tiêu thăng tiến công việc.

Chị Yến (Việt Nam): Tôi nghĩ rằng xã hội Nhật Bản là môi trường thoải mái cho phụ nữ làm việc. Bởi vì xã hội Nhật Bản tuân thủ luật pháp, và các chính sách phúc lợi cũng đầy đủ. Bạn có thể hưởng chế độ bảo hiểm và khám nghiệm ung thư miễn phí. So với Việt Nam, có nhiều ngày nghỉ hơn, và chế độ nghỉ thai sản, chăm sóc con cái cũng được áp dụng.

Cô Ito: Một số phụ nữ ở Nhật Bản nói rằng phụ nữ vẫn còn khó khăn khi đi làm, nhưng tôi hiểu rằng mọi người ở các nước khác cũng đều cảm thấy như vậy. Vậy nên chúng tôi vẫn cần tiếp tục nỗ lực tạo ra một môi trường giúp cả nam và nữ dễ dàng làm việc hơn.

PGS. Suzuki: Mọi người đã nói lên những lo ngại mà người nước ngoài cảm thấy khi làm việc tại Nhật Bản. Ngoài tiền lương, điều quan trọng nhất mà người nước ngoài muốn biết là liệu đó có phải là nơi làm việc tốt cho họ hay không. Ở Nhật Bản, chúng tôi đang tập trung rất nhiều vào “Lộ trình phát triển nghề nghiệp” như giáo dục và đào tạo nhân viên, nhưng chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Điều quan trọng vẫn là tạo ra môi trường làm việc thoải mái cho người nước ngoài.

Cô Ito: Cảm ơn những chia sẻ quý báu của Phó Giáo sư Suzuki. Ở phần thứ nhất, chúng ta đã nói về “Sự hấp dẫn khi làm việc tại Nhật Bản và những kinh nghiệm của buổi hội thảo JCWG”. Tất cả các bạn tham gia ở phần 1 này sẽ tiếp tục xuất hiện ở phần 3 nên mọi người hãy đón xem nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở phần 2.

 

Trong bài viết này, chúng tôi đã giới thiệu một số chủ đề từ video ghi lại cuộc thảo luận. Video cũng bao gồm những chủ đề khác như lý do tại sao người nước ngoài ở Nhật Bản lại đến Nhật Bản, cư trú ở Nhật, và ấn tượng của họ khi đến Nhật,…Mọi người vui lòng nhấn vào bên dưới để xem toàn bộ video.