PHẦN 3: “TƯƠNG LAI VÀ TẦM NHÌN”

PHẦN 3: “TƯƠNG LAI VÀ TẦM NHÌN”

“Buổi hội thảo về việc làm ở Nhật Bản đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật, dành cho những ai muốn đến Nhật Bản làm việc trong tương lai” đã được diễn ra cách đây vài ngày. Trong video ghi lại cuộc thảo luận, Cô Yuko Ito đến từ trung tâm nghiên cứu, xúc tiến đầu tư trường đại học Y Hokkaido và Phó Giáo sư Toshifumi Suzuki đến từ Trường Đại học Shizuoka đã nhiệt tình chia sẻ cảm nghĩ về sự hấp dẫn của Nhật Bản đối với người nước ngoài làm việc tại Nhật và các vấn đề cần giải quyết.

Contents:

Trong phần 3 của video, chúng tôi sẽ thảo luận về chủ đề “Tương lai và tầm nhìn” đối với 11 người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản đã xuất hiện ở phần 1 và 2.

Cô Ito: Xin chào mọi người. Trong phần 3 của “Buổi hội thảo về việc làm tại Nhật Bản dành cho người nước ngoài cư trú tại Nhật”, chúng ta sẽ tiếp tục trò chuyện với Phó Giáo sư Toshifumi Suzuki và các khách mời đã xuất hiện trong phần 1 và phần 2 về triển vọng trong tương lai.

Trước hết, tôi muốn lắng nghe ý kiến của mọi người về những điều mọi người cảm thấy như “Điều này kỳ lạ” hoặc “Tôi muốn thay đổi điều này” trong quá trình làm việc ở Nhật Bản.

 

Chị Lim (Philippines): Ở Nhật Bản tăng ca nhiều, cuộc họp cũng diễn ra thường xuyên nhưng tôi nghĩ rằng nhờ vậy chúng tôi có thể làm việc hiệu suất hơn. Dẫu cho dịch Covid-19 tạm thời giảm xuống, tôi vẫn muốn cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống linh hoạt hơn như tiếp tục làm việc từ xa trong khả năng có thể, hoặc linh động thời gian làm việc.

Tôi tin rằng các công ty Nhật Bản sẽ trở nên hấp dẫn hơn nữa nếu có thể tạo ra môi trường làm việc thoải mái hơn cho phụ nữ và người khuyết tật.

 

Chị Lovely (Philippines): Ở Nhật Bản có rất nhiều người tham công tiếc việc. Không chỉ là người Nhật, mà ngay cả những người nước ngoài làm việc tại Nhật cũng có xu hướng như vậy bất kể làm việc ở lĩnh vực nào.

 

Chị Stella (Philippines): Ở tỉnh Nagano nơi tôi đang làm việc, cũng có trường hợp công việc kéo dài đến tận khuya và không có phương tiện di chuyển về nhà. Nhiều người nước ngoài mới sang Nhật không có xe hơi, nên gặp nhiều khó khăn. Ở Philippines có xe jeepney (Xe taxi đi chung) chạy cả ngày nên rất tiện lợi.

 

Chị Yến (Việt Nam): Tôi thấy việc uống rượu sau giờ làm việc với đồng nghiệp hơi lạ. Thật khó hiểu khi đưa cuộc sống riêng tư vào mối quan hệ công việc. Chúng ta đều thích việc mọi người vui vẻ cùng nhau trong các buổi tiệc, sự kiện lớn,…nhưng điều này diễn ra hàng tuần thì tôi không nghĩ đó là một ý kiến hay.

 

PGS. Suzuki: Ở Nhật Bản, uống rượu sau giờ làm việc với đồng nghiệp là thời điểm hữu ích để mọi người trải lòng với nhau, nhưng điều này có thể không quen đối với những người nước ngoài coi trọng “Phong cách làm việc” và “Thời gian riêng tư”. Nhìn lại thì tôi và cô Ito cũng có cảm giác bản thân là người tham công tiếc việc.

 

Chị Linh (Việt Nam): Ý tôi không hẳn là “Kỳ lạ”, mà tôi rất ngạc nhiên vì mọi người có thể uống nước máy như vậy. Ở Việt Nam, bạn phải đun sôi nước rồi mới uống được.

 

Chị Hoài (Việt Nam): Ở Nhật Bản quả thật có rất nhiều máy bán hàng tự động. Tôi ngạc nhiên vì không chỉ có đồ uống, mà còn đa dạng các loại thực phẩm khác nữa.

 

Cô Ito: Điều này sẽ khó hiểu nếu như bạn đã sống ở Nhật Bản từ khi sinh ra, nhưng nhìn từ quan điểm của những người nước ngoài, quả thật nơi đây có nền văn hóa độc đáo. Vì vậy tôi rất muốn hỏi về tầm nhìn của các bạn trong tương lai. Bạn muốn tiếp tục làm việc ở Nhật Bản như thế này, hay sẽ trải nghiệm cuộc sống ở Nhật Bản rồi sau đó về nước và cống hiến cho quê hương của mình?

 

Bạn Auliya Agung Barkah (Indonesia): Tôi yêu Nhật Bản, nhưng ước mơ của tôi là mang những gì học được ở Nhật về Indonesia và thành lập công ty riêng của mình. Ở Nhật Bản, tôi làm hướng dẫn viên du lịch cho người nước ngoài, vì vậy tôi muốn thành lập một công ty du lịch khi về nước. Ngoài ra, vì Nhật Bản có một hệ thống tiếp nhận thực tập sinh kỹ thuật người nước ngoài, nên tôi nghĩ rằng các cơ sở hỗ trợ sinh viên Indonesia sang Nhật Bản cũng có thể có tương lai. Tôi chắc chắn rằng có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc đó (cười).

 

Bạn Ayu (Indonesia): Tôi dự định sẽ trở về Indonesia. Tôi muốn trở thành giáo viên tại một trường dạy tiếng Nhật hoặc một hướng dẫn viên du lịch có thể phiên dịch.

 

Bạn Perera (Sri Lanka): Tôi quyết định sống ở Nhật Bản. Một trong những lý do đó là vì công việc hiện tại mà tôi đã làm được bốn tháng rất thú vị. Tôi đã làm việc trong ngành du lịch được bốn năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tôi đã phải nghỉ việc và sự nghiệp của tôi hoàn toàn bị đình trệ từ đó. Tôi biết mình không thể tiếp tục như vậy nên đã tìm kiếm một công việc mới, nhưng tôi không thể tìm được công việc nào cho phép tôi sử dụng kinh nghiệm trước đây của mình cả. Tôi quyết định thay đổi suy nghĩ và thử một thứ gì đó hoàn toàn mới, và tôi hiện đang làm việc trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Bất chấp thách thức gần như bắt đầu lại từ đầu, tất cả các nhân viên người Nhật đều ủng hộ tôi rất nhiều, và tôi hy vọng mình sẽ làm việc ở công ty lâu nhất có thể.

 

Cô Ito: Tôi rất ấn tượng bởi đam mê mãnh liệt của các bạn trên những chặng hành trình mới trong bối cảnh dịch COVID-19 khắc nghiệt. Tôi nghĩ rằng việc các bạn không ngừng theo đuổi mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp sẽ là một nguồn động viên vô cùng lớn cho những ai đang muốn làm việc tại Nhật Bản.

 

Bạn Ashini (Sri Lanka): Tôi muốn trở về Sri Lanka, xây dựng một viện dưỡng lão và sống với bố mẹ mình.

 

Bạn Sithumini (Sri Lanka): Tôi muốn tiếp tục học về chăm sóc điều dưỡng và làm việc tại Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia phát triển rất an toàn và thoải mái để sinh sống.

 

PGS. Suzuki: Chúng tôi rất vui khi thấy các bạn từ các quốc gia khác nhau đang đóng vai trò tích cực trong ngành điều dưỡng.

 

Cô Ito: Vậy là chúng ta đã kết thúc phần 3 của “Buổi hội thảo về việc làm ở Nhật Bản đối với người nước ngoài cư trú tại Nhật”. Cuối cùng, tôi rất mong Phó Giáo sư Suzuki có thể chia sẻ cảm nghĩ về buổi hội thảo này.

 

PGS. Suzuki: Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi người. Tôi rất ấn tượng khi có nhiều chia sẻ từ các bạn về “Phong cách làm việc” thay vì chỉ về nội dung của công việc. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một nét đặc trưng trong câu chuyện về “Cách sống”.

Ngoài ra, cũng có một số bạn đã nghĩ đến việc một ngày nào đó sẽ trở về quê hương của mình. Thật thú vị khi thấy rằng bạn không chỉ đơn giản là thay đổi nơi làm việc của mình mà còn có tầm nhìn về sự nghiệp sau này, đó là đóng vai trò “kết nối” trong việc áp dụng những kỹ năng mà bạn học được ở Nhật Bản khi trở về nước.

 

Cô Ito: Khi lắng nghe câu chuyện của các bạn, tôi cũng rất vui khi biết rằng các bạn thực sự yêu thích công việc của mình khi kết nối với mọi người. Tôi muốn tiếp tục được làm việc cùng với những người nước ngoài và suy nghĩ về tương lai của Nhật Bản.

 

Trong bài báo này, chúng tôi đã giới thiệu một số chủ đề từ video ghi lại cuộc thảo luận. Trong video, các công dân người nước ngoài hiện đang cư trú tại Nhật Bản sẽ chia sẻ chi tiết hơn về nền văn hóa độc đáo của Nhật Bản. Vui lòng nhấn vào link phía dưới để theo dõi toàn bộ nội dung video.