Kể từ khi bạn có suy nghĩ: “Mình muốn thử sang Nhật Bản làm việc”, thì có rất nhiều điều cần chuẩn bị, kể cả việc học tiếng Nhật. Vì bạn đi đến Nhật Bản – một quốc gia khác xa xôi và làm việc tại đó, nên bạn cần phải chuẩn bị hết sức tỉ mỉ và cần cả sự thấu hiểu của gia đình nữa. Đồng thời, cũng có nhiều điều lo lắng khi bạn sử dụng một ngôn ngữ khác và đi làm việc ở một môi trường hoàn toàn mới.
Thông qua các cuộc khảo sát và phỏng vấn người nước ngoài có kinh nghiệm làm nghề chăm sóc tại Nhật Bản, chúng tôi đã được nghe về lí do chọn công việc này của họ, sự chuẩn bị trước khi đi, cách giải quyết những lo lắng…
Contents:
Tại sao bạn chọn nghề chăm sóc tại Nhật Bản?
Tùy vào mỗi người mà câu trả lời lại khác nhau. Ví dụ, có bạn từ nhỏ đã muốn được sang Nhật; có bạn đã có kinh nghiệm làm điều dưỡng viên tại quốc gia của mình, nên muốn học về cách chăm sóc người bị bệnh sa sút trí tuệ; có bạn muốn được cùng làm việc với người Nhật vì nghe nói người Nhật rất nghiêm túc trong công việc. Chúng tôi đã được các bạn chăm sóc viên người nước ngoài tại Nhật chia sẻ về lí do “Vì sao chọn nghề chăm sóc tại Nhật Bản”.
・“Tôi nghĩ đến tương lai, khi bố mẹ cần được chăm sóc nên tôi muốn học nghề chăm sóc ở Nhật Bản một cách thật nghiêm túc. Tôi nghĩ công việc chăm sóc là công việc tuyệt vời có thể “tích lũy công đức”.” (bạn M, người Myanmar).
・“Lúc học tiểu học, có một khu vui chơi do người Nhật xây dựng mà tôi rất muốn đến. Tôi thầm nghĩ: “Mình muốn được một lần đến Nhật Bản, đất nước có thể tạo ra được một khu vui chơi tuyệt như thế này.” Sau này, tôi đã lấy được bằng điều dưỡng viên ở trường đại học. Nhờ vào sự giới thiệu của thầy cô ở trường mà tôi biết đến nghề chăm sóc viên tại Nhật, và đây quả là cơ hội dành cho tôi.” (bạn N, người Indonesia).
・“Tôi muốn đi làm vì gia đình của mình, nhưng lúc đó tại Philippines có rất ít việc làm, nên tôi nghĩ đến việc ra nước ngoài. Tôi được biết ngành chăm sóc ở Nhật Bản rất chỉn chu và kĩ thuật rất cao, nên tôi thật sự muốn học.” (Bạn J, người Philippines).
・“Tôi đã làm nghề điều dưỡng viên tại quốc gia của mình rồi. Tôi rất thích các bác lớn tuổi, và rất muốn học về cách chăm sóc người bị bệnh sa sút trí tuệ, nên tôi đã sang Nhật Bản.” (bạn P, người Indonesia).
[1] Công Ty Cổ Phần Nghiên Cứu và Tư Vấn Mitsubishi UFJ, “Sách hướng dẫn tiếp nhận nhân viên chăm sóc người nước ngoài và hỗ trợ phát huy khả năng”
Bạn thu thập thông tin tại quốc gia của mình như thế nào?
Chị Riswanti – người Indonesia chia sẻ: “Khi tôi làm chăm sóc tại nhà vào thời đại học, tôi đã nghe về nghề chăm sóc tại Nhật Bản, từ một gia đình mà tôi đến chăm sóc. Từ đó, tôi đã tìm hiểu kĩ về nghề chăm sóc tại Nhật thông qua internet.”
Ngoài ra, các bạn thu thập thông tin về công việc chăm sóc tại Nhật Bản từ rất nhiều nguồn khác nhau như: đọc và biết về nghề chăm sóc tại Nhật thông qua một thông báo trên website của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản; nghe về nghề chăm sóc tại Nhật từ đồng nghiệp trong công ty, v.v…
Ngoài ra, ở các quốc gia còn có các buổi giới thiệu tại địa phương, các hội thảo online…, nên các bạn quan tâm có thể tìm hiểu thông qua các kênh Internet… Cũng có các hội thảo được tổ chức online từ nửa cuối năm 2020 đến nửa đầu của năm 2021. Các bạn tại Indonesia, Myanmar, Mông Cổ, Nepal, Campuchia vui lòng xem thêm thông tin chi tiết tại đây.
Thời gian cần để chuẩn bị trước khi sang Nhật Bản là bao lâu?
Hầu hết các bạn sẽ sang Nhật Bản sau 1 đến 1 năm rưỡi, kể từ khi quyết định: “Mình sẽ sang Nhật. Mình sẽ làm chăm sóc viên tại Nhật”. Song, thời gian chuẩn bị cũng sẽ khác đi, tùy vào năng lực tiếng Nhật và mức độ quan tâm của bạn với nghề chăm sóc. Ngoài ra, sự thấu hiểu của gia đình, việc tìm được nơi tuyển dụng cũng là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến thời gian cần để bạn chuẩn bị sang Nhật. Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh – người Việt Nam chia sẻ: “Tôi suy nghĩ về việc sang Nhật Bản làm nghề chăm sóc khi tôi tốt nghiệp đại học. Từ lúc ấy, tôi mất khoảng 1 năm rưỡi để chuẩn bị sang đây.”
Đồng thời, chúng ta cũng không thể quên việc chọn chỗ ở trước khi sang Nhật. Chị Hoàng Thị Ngọc Ánh chia sẻ: “Tôi đã chọn chỗ ở sau khi bàn bạc với đơn vị tuyển dụng. Chúng tôi đã bàn những nội dung như: giá tiền thuê trọ, ở 1 mình hay 2 người, xa hay gần chỗ làm, đi bộ đến cơ quan hay đi xe đạp, an ninh của khu vực mình sinh sống… Họ đã hỗ trợ tôi vô cùng nhiệt tình.”
Sự thấu hiểu của gia đình cũng rất quan trọng
Chị Riswanti – người Indonesia cho biết cũng nhờ có sự ủng hộ của gia đình mà chị có thể làm chăm sóc viên tại Nhật. “Không có ai trong gia đình tôi phản đối việc tôi đi Nhật cả. Ngược lại, mọi người còn cổ vũ tôi cố gắng lên. Điều làm tôi vững tâm nhất là câu nói thân thương từ bố mẹ “Con không cần lo cho gia đình, hãy chăm chỉ cố gắng ở Nhật con nhé. Bố mẹ luôn ủng hộ con.”.”
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp cần thuyết phục bố mẹ. Anh Albert Fernandez – người Philippines chia sẻ: “Lúc đầu, bố mẹ tôi phản đối việc tôi định sang Nhật làm chăm sóc viên. Tôi nghĩ vì lúc ấy bố mẹ chưa biết về công việc này. Cũng có thể bố mẹ tôi nghĩ tôi phải làm điều dưỡng viên, thay vì chăm sóc viên. Tôi dành thời gian để thuyết phục họ, và cuối cùng bố mẹ cũng đã hỗ trợ để tôi đi.”
Bạn lo lắng điều gì trước khi đến Nhật Bản?
Chị Riswanti – người Indonesia chia sẻ: “Lối sống là điều tôi lo lắng. Vì tôi là người theo đạo Hồi, nên có những thực phẩm tôi không thể ăn được. Tôi rất lo lắng không biết tôi có thể mua được các loại thực phẩm Halal cho người đạo Hồi tại các siêu thị gần nhà không.”
Với những điều lo lắng này, bạn có thể trao đổi với các bạn chăm sóc viên đến từ cùng quốc gia với mình, thu thập thông tin từ người ở nơi mình sẽ làm việc cùng, để có thể giải quyết trước khi sang Nhật. Thêm vào đó, càng gần ngày xuất phát, việc liên lạc bằng tiếng Nhật lại càng nhiều lên, nên ngôn ngữ cũng là một phương diện các bạn thường lo lắng. Có bạn đã nói rằng: “Tôi đã rất lo về năng lực tiếng Nhật của mình. Tôi nghĩ nếu không nói được tiếng Nhật thì chẳng thể làm được gì cả, nên đã học rất cật lực.”
Nếu bạn có những lo lắng về chuyện ăn uống, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, thì việc tích cực trao đổi với nhiều người là con đường ngắn nhất để giải quyết chúng.