
Cuộc phỏng vấn cùng anh DICKI YONATA – người đang làm việc tại viện dưỡng lão Kenshokai Baden nằm ở thành phố Takamatsu, tỉnh Kagawa. Anh ấy từng là ứng viên chương trình EPA và hiện đã trở thành Chuyên viên quản lý chăm sóc (Care Manager). Lần thứ hai chúng tôi đã hỏi về phương pháp học và ôn luyện cho kỳ thi chứng chỉ quản lý chăm sóc.
Câu trả lời của anh Dicki:
“Tôi đến từ đảo Sumatra, Indonesia. Năm 2012, tôi sang Nhật theo diện ứng viên Chuyên viên chăm sóc phúc lợi EPA. Đến năm 2015 tôi đã lấy được chứng chỉ chăm sóc phúc lợi và năm 2021 có được chứng chỉ quản lý chăm sóc. Cùng năm đó tôi đã kết hôn và bây giờ đang làm bố của 2 đứa trẻ.”
Contents:
Phương pháp để đạt được kỳ thi chứng chỉ quản lý chăm sóc ( Care manager).
Tôi đã bắt đầu việc ôn luyện kỳ thi cho chứng chỉ này từ khoảng một năm trước. Do khoảng thời gian đi làm khá bận rộn, việc dành nhiều thời gian để học là điều không hề dễ. Vì vậy, ban đầu tôi tranh thủ những khoảng thời gian trống, chỉ cần 10 phút mỗi lần, nhưng duy trì đều đặn mỗi ngày. Trong giờ nghỉ, tôi đã đọc sách học bằng ứng dụng Kindle. Sau khi về nhà, tôi tiếp tục học bài trong lúc ngâm mình trong bồn tắm và giải các đề thi của những năm trước trước khi đi ngủ. Hơn nữa, trước kỳ thi một tháng, tôi đã xin kỳ nghỉ dài (renkyuu) và học đến 3 giờ sáng mỗi ngày.
Đối với cá nhân tôi khi luyện thi, cảm thấy phần kiến thức về pháp luật như chế độ bảo hiểm chăm sóc khá là khó. Tuy nhiên để đạt được chứng chỉ này, thì chỉ còn cách là phải chăm học thôi. Lên kế hoạch cụ thể và duy trì đều đặn mỗi ngày rất quan trọng. Mặc dù tôi nghỉ dài hạn trước kỳ thi 1 tháng nhưng mọi người ở chỗ làm vẫn ủng hộ tôi điều này. Tôi nghĩ bất cứ ở đâu thì mọi người vẫn sẽ ủng hộ cả.
Về phần năng lực tiếng Nhật thì tôi nghĩ nếu có N2 thì càng tốt. Trường hợp của tôi là đã học tiếng Nhật vào khoảng nửa năm theo chương trình EPA, sau khi qua Nhật thì tôi đã học một cách bài bản hơn. Năm đầu tiên tôi lấy được N3, năm thứ 2 tôi lấy được N2, trước khi đạt được chứng chỉ chuyên viên chăm sóc phúc lợi, thì tôi đã lấy được N1. Và cũng từ đó tôi đã lên kế hoạch đạt được các chứng chỉ chuyên viên chăm sóc phúc lợi và chứng chỉ chuyên viên quản lý chăm sóc.
Công việc mỗi ngày, 3 vai trò cùng một lúc
Hiện tại tôi đang đảm nhiệm 3 vai trò đó là chuyên viên chăm sóc phúc lợi, bộ phận quản lý và chuyên viên quản lý chăm sóc. Trong đó, công việc chăm sóc và quản lý chiếm 60~70%, công việc quản lý chăm sóc chiếm 30~40%. Ban ngày, phần lớn thời gian tôi tập trung vào công việc chăm sóc và quản lý, bao gồm chủ trì các cuộc họp bàn về tình trạng của khách hàng (conference), trò chuyện 1:1 để lắng nghe những bất an, băn khoăn của họ (monitoring), cũng như hỗ trợ, trao đổi thêm với nhân viên. Công việc của một chuyên viên quản lý chăm sóc thường được thực hiện vào những khoảng thời gian trống trong ngày hoặc trong các ca trực đêm.
Một người quản lý chăm sóc thường sẽ đóng vai trò chủ chốt ở viện. Phải theo dõi tổng quan để đảm bảo các kế hoạch phục hồi chức năng hay kế hoạch dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ, không gặp bất kỳ vấn đề gì khác thường. Hiện tại ở viện dưỡng lão Kenshokai Baden, nơi tôi làm việc, có tổng cộng ba chuyên viên quản lý chăm sóc, gồm tôi và hai đồng nghiệp người Nhật. Một người chủ yếu phụ trách công việc quản lý, còn người kia sẽ tập trung vào công tác quản lý chăm sóc. Chúng tôi thường xuyên trao đổi về cách xây dựng kế hoạch chăm sóc, phương pháp giao tiếp và phân chia công việc. Bởi vì tôi cũng đang làm điều dưỡng ở đó nên thường sẽ không có sự phân biệt rạch ròi trong công việc cho lắm. Mặc dù công việc có vẻ hơi bận rộn, nhưng môi trường làm việc không có làm việc ngoài giờ nên tôi vẫn có thể làm việc thoải mái.
Điều quan trọng trong công việc chăm sóc tôi nghĩ đó là “đồng hành và kết nối”, phải luôn tâm niệm một điều rằng luôn đặt sự kỳ vọng của khách hàng lên hàng đầu. Những người phù hợp với công việc này theo tôi nghĩ là họ là người biết cách lắng nghe câu chuyện của đối phương, là người thật lòng suy nghĩ, quan tâm đến hạnh phúc người khác, và hơn nữa là người thích làm việc với máy tính(haha). Vì công việc cần phải xử lý hồ sơ nhiều nên năng lực tiếng Nhật là điều không thể thiếu.