TRẢI NGHIỆM ẨM THỰC NHẬT BẢN

TRẢI NGHIỆM ẨM THỰC NHẬT BẢN

Khi nói về ẩm thực Nhật Bản, chắc hẳn rất nhiều bạn sẽ nghĩ ngay đến những món như Sushi, mì Ramen, Tempura.  Và cũng có thể bạn sẽ lo lắng khi đến Nhật thì chỉ ăn hoài món Nhật thôi sao? Thậm chí, những bạn có chứng dị ứng hoặc không thể ăn một số loại thực phẩm vì lí do tôn giáo cũng có thể sẽ rất lo lắng về đời sống ăn uống khi ở Nhật. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện một số cuộc khảo sát và phỏng vấn các bạn người nước ngoài đã sống tại Nhật Bản về sinh hoạt ăn uống của họ.

Contents:

Toàn bộ thức ăn đều là món Nhật?

Chị Anarbayar Renchinkhorol – người Mông Cổ đã chia sẻ: “Ở Nhật Bản, không phải mọi bữa ăn đều toàn món Nhật cả đâu. Mình chưa gặp ai người nước ngoài có khó khăn về đồ ăn khi đến Nhật cả. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng ở Nhật thì sẽ ăn toàn là cá. Thực tế không phải như vậy. Ngược lại, nếu bạn đi dạo trên phố, bạn sẽ thấy có rất nhiều kiểu nhà hàng, rồi ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị… có rất nhiều loại đồ ăn được bày bán. Mình tin dù bạn đến từ nơi nào trên thế giới, bạn đều có thể tìm thấy món ăn hợp với khẩu vị của mình. Hơn nữa, có rất nhiều món Nhật khác nhau, bạn phải thử thật nhiều nhé, vì rất rất ngon.”

 

Mua nguyên liệu nấu ăn ở đâu?

Anh Mani Gyawali đến từ Nepal đã rất hài lòng về đời sống ăn uống của mình khi ở Nhật: “Hầu hết các loại nguyên liệu đều có thể mua ở siêu thị cả. Có cả siêu thị bán thực phẩm nước ngoài, vô cùng tiện lợi. Tuy nhiên, các cửa hàng thường sẽ đóng cửa vào khoảng 20-21 giờ tối, nên những lúc không kịp mua thì tôi mua những thứ thiết yếu tối thiểu ở cửa hàng tiện lợi mở cửa 24h. Tôi lựa chọn các nguyên liệu và gia vị để nấu các món giống như ở quê hương, những khi không mua được ở siêu thị gần nhà thì tôi mua online. Các trang bán hàng online tại Nhật có bán nhiều món của các nước khác nhau, nên rất tiện cho cuộc sống của chúng ta.”

 

Phép lịch sự khi ăn món Nhật

Cũng giống như các nước khác, có một số phép lịch sự khi bạn dùng các món ăn Nhật. Sẽ không thiệt thòi gì nếu chúng ta biết về những phép lịch sự này, vì ở các cơ sở chăm sóc có nhiều người cao tuổi.

・Phép chào khi ăn: chúng ta phải chắp hai tay lại với nhau, đồng thời nói “Itadakimasu” trước khi ăn, và nói “Gochiso sama deshita” sau khi ăn.

・Cách cầm đũa: cầm đũa lên bằng bàn tay thuận và nâng lên để gắp, dùng bàn tay còn lại để nâng đỡ, giữ đũa. Thời gian gần đây có rất nhiều video hướng dẫn, nên bạn hãy thử tìm bằng cụm từ “How to use chopstics” để xem thử nhé. Ngoài ra, việc cắm đũa vào bát cơm đầy là điều cấm kị.

・Phục vụ: Cũng có khá nhiều phép tắc liên quan đến việc phục vụ món ăn Nhật. Trong đó, hãy nhớ rằng: cơm phải đặt ở bên trái, bên phải là súp Miso. Nếu bạn làm ngược lại, sẽ trở thành cơm dâng cho người đã khuất đấy.

Mặc khác, cũng có một số điều ở nước ngoài thì là vi phạm phép tắc, nhưng ở Nhật thì lại không. Ví dụ, việc tạo ra âm thanh tiếng ồn khi uống trà, ăn súp Miso, mì Soba, mì Ramen thì không phải là vi phạm phép lịch sự ở Nhật. Nếu thấy người Nhật vừa ăn mì Soba, vừa tạo ra âm thanh xì xụp thì bạn cũng đừng ngạc nhiên nhé.

Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ về những phép lịch sự mà chúng tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Có rất nhiều phép lịch sự khi ăn món Nhật khác nên bạn hãy tìm hiểu trước khi đến Nhật Bản và thực hành để nhớ nhé!

 

Có gặp khó khăn về ăn uống vì lí do tôn giáo không?

Chị Riswanti – người Indonesia đã từng làm việc tại cơ sở chăm sóc tại tỉnh Hyogo cho biết: “Trước khi đến Nhật, tôi đã rất lo lắng về chuyện ăn uống. Vì là người theo đạo Hồi nên có một số thứ tôi không thể ăn được. Tôi rất lo không biết liệu mình có mua được thực phẩm Halal không và mua ở đâu? Nhưng tôi đã được một tiền bối, người đang làm việc tại Nhật chỉ bảo cho tôi rất nhiều. Ở Nhật Bản, có nhiều cửa hàng thực phẩm Halal, và cũng có cả cửa hàng thực phẩm nhập khẩu, nên chuyện ăn uống không quá khó khăn đến vậy.”

Anh Mani Gyawali – người Nepal cho biết: “Cũng có nhà hàng sẽ chế biến món ăn và loại bỏ những thực phẩm mà mình không ăn được ra, chỉ cần nói trước với họ là được. Họ rất thân thiện. Tuy nhiên, thỉnh thoảng tôi hơi khổ sở một chút, khi thực đơn nhà hàng món Nhật ghi rất khó đọc, khiến tôi không hiểu được chi tiết về món ăn.”

Vào năm 2013, Ẩm Thực Nhật Bản Washoku đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với tên gọi: “Văn Hóa Ẩm Thực Truyền Thống Nhật Bản”. Vậy nên từ khi bắt đầu cuộc sống ở Nhật Bản, bạn hãy thử thật nhiều món Nhật nhé. Vẫn còn có nhiều nhà hàng mà trong menu chỉ toàn là tiếng Nhật, nhưng đó cũng là một cách để học tiếng Nhật nữa. Ở các địa phương còn có rất nhiều món ăn truyền thống vùng miền. Hãy thêm “ẩm thực” vào danh sách những điều thú vị khi đến Nhật Bản bạn nhé.